Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Setup Home Theater tại gia.



Xu hướng mua sắm hay chơi Home theater tại gia không còn là quá xa xỉ. Tùy theo nhu cầu của người dùng, chỉ với vài triệu đồng, tối thiểu hơn 3 triệu đồng, là đã có một bộ Home theater. Tuy nhiên, dù là Home theater đồng bộ, hay “phối ghép”, tức là kết hợp thiết bị của nhiều hãng, thì việc setup hệ thống, bố trí các thiết bị sao cho hợp lí không phải ai cũng rành.
 
Dưới đây là những lưu ý cơ bản nhất đối với hai thành phần quan trọng của một bộ Home theater, đó là receiver - được coi như trái tim của Home theater, và hệ thống các loa.


Setup receiver

Trước hết, căn bản nhất vẫn là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm theo máy sẽ  giúp việc setup nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sau khi đọc kỹ sách hướng dẫn, các bạn có thể lần lượt tiến hành những bước sau:

Đấu các loa vào receiver đúng cực tính (cọc đấu loa thường có hai màu để phân biệt cực tính + và -) và đúng kênh. Nếu nhầm lẫn trong việc đấu dây loa, chất lượng âm thanh sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.





Tiếp đó, là kết nối các đường tín hiệu Input và Output, chú ý tới việc kết nối đúng đường âm thanh số đa kênh từ các nguồn phát tới receiver. Nên kết nối đường hình các nguồn phát qua receiver, sẽ thuận tiện cho việc chuyển đổi qua lại giữa các nguồn phát. Để chất lượng hình ảnh tốt nhất, nên ưu tiên các kết nối sẵn có theo thứ tự HDMI>Component>S-Video>Composite.

Sau khi sắp xếp các loa vào vị trí của chúng,việc kế tiếp đến là chỉnh âm lượng, chỉnh độ trễ (delay) của từng kênh trên receiver để đạt được chất lượng âm thanh tổng thể tối ưu nhất. Thông thường, các receiver có chức năng phát test tone nhằm giúp cho người dùng dễ cân chỉnh âm lượng đồng đều cho các loa. Ở chế độ test tone, mỗi loa sẽ lần lượt phát ra tín hiệu pink noise, người dùng căn cứ vào tín hiệu này để chỉnh âm lượng các loa cân bằng với nhau. Sẽ dễ dàng và chính xác hơn nếu dùng một đồng hồ đo mức thanh áp (SPL meter) cho việc này.
 
Chỉnh độ trễ là để âm thanh từ các loa đến tai người nghe cùng một lúc, không bị nhanh hay chậm so với nhau, có như thế không gian âm thanh mới được tái tạo chính xác. Với hầu hết các receiver , người dùng chỉ cần nhập khoảng cách từng loa tới vị trí mình nghe qua màn hiển thị của receiver , hệ thống sẽ tự động đặt thời gian trễ tín hiệu mỗi kênh. Tuy nhiên, với một số receiver, người dùng phải chọn thời gian trễ đo bằng ms cho các kênh âm thanh, khi đó nên tham khảo sách hướng dẫn sử dụng theo máy.

Khi setup receiver, bạn nên tận dụng chức năng tự động cài đặt (auto setup) nếu có, bạn chỉ việc ngồi tại vị trí nghe và làm theo trình tự hướng dẫn, máy sẽ tự chỉnh các tham số.Ví dụ, receiver JVC RX-D411 có kèm theo 1 micro để bạn đeo vào tai tại vị trí ngồi nghe, sau khi chọn auto setup, máy sẽ phát tín hiệu từng kênh rồi dựa trên tín hiệu phản hồi từ micro để tự chỉnh các tham số. Sau khi tự động cài đặt, cũng cần kiểm tra lại bằng cách phát thử một đĩa nhạc hay đĩa phim, tinh chỉnh lại các tham số cho phù hợp với đôi tai của bạn.

Đối với loa subwoofer, đường kết nối tốt nhất là qua ngõ ra subwoofer out của receiver. Bạn nên tìm hiểu đáp ứng tần số của các loa để chỉnh tần số giao cắt (cross-over frequency) cho loa subwoofer. Thường thì chọn tần số này ở 80Hz hoặc thấp hơn là hợp lý, vì âm thanh ở dưới tần số 80Hz không có tính định hướng, tạo cho ta cảm giác âm trầm của các kênh còn lại không bị lệch vị trí. Điều này lý giải tại sao bộ loa home theatre tiêu chuẩn phải có đáp ứng tần số thấp xuống tới 80Hz hoặc thấp hơn nữa. Trong trường hợp cả receiver và loa subwoofer đều có chức năng chỉnh tần số giao cắt, thì ta nên chỉnh ở receiver, còn nút chỉnh ở loa sub để ở tần số cao nhất, tránh việc tín hiệu vào loa sub phải đi qua 2 lần mạch lọc thông thấp gây trễ pha nhiều.
 
Một số loa subwoofer có đường vào LFE, kết nối với  receiver qua đường này cũng có tác dụng bỏ qua mạch lọc thông thấp của nó. Thêm nữa, chú ý chọn phase của loa sub, nếu ngược phase với các loa khác,  chất lượng tiếng trầm sẽ bị suy giảm (chỉnh phase là đảm bảo sự đồng bộ về pha tín hiệu âm thanh giữa các loa). Thực hiện bằng cách phát một bản nhạc nhiều tiếng trầm, vừa lắng nghe vừa điều chỉnh phase loa sub sao cho tiếng trầm mạnh mẽ, đầy đủ.

Gán kiểu loa to hay nhỏ trên receiver: thông thường, nên chọn loa center và loa surround là loại nhỏ(Small), receiver sẽ phân phối tiếng trầm của các kênh đó tới loa sub và front để tổng thể âm thanh được đầy đặn, hài hòa. Tuy nhiên, nếu loa center hoặc surround đáp ứng dải tần thấp tốt (xuống tới 60Hz ), có thể gán kiểu trên receiver là loại to(Large). Cuối cùng, bạn nên chú ý tận dụng một số receiver có chức năng chỉnh cân bằng tần số(equalizer), tăng cường tiếng trầm(bass boost) hoặc chế độ xem đêm(night mode)… giúp cho việc thưởng thức âm thanh được trọn vẹn hơn nữa.

Bố trí loa

Trước hết, bạn cũng cần cơ bản nắm bắt nhiệm vụ của từng loại loa trong hệ thống Home theater: Loa Center đảm nhiệm hầu hết lời thoại và âm thanh on-screen của bộ phim hay bản nhạc, do đó nó cần phải đặt thật gần màn hình. Loa Front L và R có nhiệm vụ quan trọng nhất, cùng loa center tạo khoảng không gian âm thanh phía trước. Khi nghe nhạc stereo, loa front gánh vác hết trọng trách truyền tải âm nhạc. Tiếp đến là loa Surround phát ra “đám mây âm thanh” và các hiệu ứng đặc biệt, làm cho người nghe cảm giác như đang “ở hiện trường” vậy. Loa Subwoofer đảm trách việc tái tạo những âm thanh ở tần số siêu trầm mà các loa khác khó thể hiện được. Thiếu nó thì những cảnh như bom nổ, động đất… sẽ không còn cảm giác thật nữa.

Theo kinh nghiệm của những người chơi Home theater, nên bố trí loa theo chiều dọc phòng nghe. Nếu điều kiện phòng cho phép, chọn vị trí ngồi nghe ở khoảng giữa hoặc 2/3 phòng tính từ vị trí màn hình. Loa Center nên để ở vị trí giữa gần màn hình, với loa Treble ngang tầm tai. Hai loa Front nên đặt cân đối cách đều loa Center, cùng khoảng cách như loa Center tới người nghe, tạo thành góc khoảng 22-300 so với loa center.
 
Vì hầu hết loa Front là loại lớn thể hiện tiếng trầm tốt, cần chú ý không để chúng quá gần các góc tường để tránh dội âm, gây tiếng ầm ì khó chịu. Hai loa Rear đặt đối xứng hai bên, ngay hai bên hoặc hơi chếch phía sau và hướng tới tai người nghe, tạo thành góc 90-1100 so với loa Center, vị trí cao hơn đầu người nghe khoảng 54-60cm.

Với hệ thống 7.1, loa Rear center đặt sau vị trí người nghe, đối xứng với loaCenter. Hai loa Surround back đặt phía sau, tạo thành góc 135-1500 so với loa Center. Loa Subwoofer nên đặt xa góc phòng để tránh bị dội âm trầm, cần vừa nghe vừa chọn vị trí đặt loa Subwoofer sao cho tiếng trầm tốt nhất mà không bị dội lại.



Những lưu ý khác

Ngoài không gian, thiết bị, bạn cần chú ý đến việc cách âm, tiêu tán âm phòng xem phim hoặc phòng nghe. Không nên để trống các bức tường gây phản xạ, tránh dùng cửa kính, cách âm tốt để không gây ảnh hưởng tới người xung quanh… Cố gắng tạo được phòng giải trí riêng biệt sao cho việc setup được gọn gàng, các loa không phải đặt ở những vị trí mất đối xứng thiếu thẩm mỹ, hoặc quá cao hay quá thấp.
 
Tùy theo diện tích phòng mà chọn bộ home theater với chi phí và kích thước hợp lý. Nếu bạn là người luôn bận rộn, nên chọn một bộ hoàn chỉnh (complete) của cùng một hãng, vừa đỡ mất thời gian vừa dễ cài đặt. Không nên ghép nhiều loa khác nhau thành bộ, vì loa khác hãng hoặc khác kiểu sẽ có âm sắc khác nhau, khó tạo ra âm thanh tổng thể đồng nhất. Tuy nhiên, với nhiều người chơi cầu kỳ và sành sỏi, thú phối ghép lại mang đến nhiều niềm vui và chất lượng âm thanh rất khác biệt.
 Hết.
HDmedia (theo xahoithongtin.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét