Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Canh gác biên giới bằng các kỹ thuật tân kỳ

Bích Vân 11/03/2010
Sau buổi hội nghị về an ninh quốc gia được tổ chức hồi cuối năm vừa qua tại Leeds (Anh quốc), mọi quốc gia đều đồng ý sự cần thiết phải giám sát biên giới thế nào cho hữu hiệu hơn. Ví dụ như Ấn-độ đang xây một bức tường bê-tông (chằng thêm dây kẽm gai) cao 3 thước và dài 3.400 cây số để ngăn chia với nước láng giềng Bangladesh. Hoặc như xứ Lybia tăng cường các lực lượng tuần tiễu được trang bị với những máy móc tối tân, và ký kết một hiệp ước với Liên minh Âu châu để ngăn chận làn sóng những người di cư từ châu Phi cận Sahara đi ngang qua xứ Lybia trước khi vượt Địa Trung Hải để nhập lậu vào nước Ý. Hoặc như tại Hoa kỳ, Bộ Nội An hợp tác với hãng Boeing Intelligence and Security Systems trong chương trình gọi là Secure Border Initiative Network trị giá hơn 11 tỷ mỹ kim với những kế hoạch ví dụ như xây 400 lô-cốt cao 25 thước, tương tự như các ăng-ten điện thoại, bên trong được bố trí một giàn các cảm biến quang học và các máy cameras hồng ngoại tuyến điều khiển từ xa. Trải dài trên 3000 cây số dọc theo biên giới, các lô-cốt này còn được trang bị các radars hoạt động ở tần số 10 gigahertz có thể phát hiện sự hiện diện của người, và bộ cảm ứng âm thanh cùng độ rung để phát hiện tiếng nói và bước chân. Tất cả những máy móc kỹ thuật tân tiến này, theo giải thích của Mark Borkowski phụ trách dự án SBI (Secure Border Initiative) của Hải quan Hoa kỳ và cơ quan Bảo vệ biên giới (US Customs and Border Protection Agency), là nhằm để báo động cho các đội tuần tra biên phòng trong trường hợp có những hoạt động bất thường trong phạm vi có thể kéo dài tới 10 cây số tại biên giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét